Đau mắt đỏ và những biến chứng không ngờ

26-09-2023

Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) hay nhặm mắt là bệnh lý xuất hiện theo mùa, do virus gây ra. Đây là bệnh lý về mắt thường gặp và phổ biến nhiều năm gần đây. Bệnh đau mắt đỏ thường sẽ tự khỏi sau vài ngày và ít biến chứng, nhưng với một số tình trạng không được kiểm soát và điều trị tốt có thể chuyển nặng, nguy hiểm. 

Hiện nay, đau mắt đỏ không có thuốc ngừa, cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Mọi người cần chủ động nhận biết các dấu hiệu, các phương pháp điều trị và phòng tránh để có thể kịp thời bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. 

1. Tình hình dịch bệnh

Theo thống kê, từ đầu năm 2023, đã bắt đầu xuất hiện nhiều trường hợp đau mắt đỏ, bắt đầu gia tăng từ tháng 8/2023. Ghi nhận chỉ riêng tại TP.HCM, tính đến tháng 8 đã có 63.000 ca và có hơn 1.000 xuất hiện biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, loét giác mạc, suy giảm thị lực, bội nhiễm,…

dau-mat-do

Số ca mắt đau mắt đỏ gia tăng

Đau mắt đỏ có tính lây nhiễm, chủ yếu do virus Coxsackievirus A24, human Adenovirus 54 và 37 gây ra. Bệnh lây qua các đường tiếp xúc gần như ngoài da, dùng chung vật dụng hằng ngày. Chính vì thế, bệnh dễ lây lan đặc biệt đối với nhóm gia đình, doanh nghiệp, trường học. 

Hiện nay, tình trạng diễn biến số ca bệnh đã tăng nhanh trên cả nước, tại Đồng Tháp cũng xuất hiện nhiều ca mắc bệnh. Chỉ riêng tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Đồng Tháp, trong tháng 9/2023, môi ngày tiếp nhận 10 – 20 trường hợp đau mắt đỏ, chủ yếu là trẻ em. 

2. Dấu hiệu bệnh

Chuyển biến bệnh đau mắt đỏ thường diễn ra nhanh, chỉ sau vài ngày nhiễm bệnh. Bệnh có những dấu hiệu nhận biết rõ ràng, chúng ta có thể dựa vào triệu chứng bệnh để xác định nguy cơ mắc bệnh.

benh-mat-do

Mắt sưng đỏ là một trong những dấu hiệu của bệnh

  • Đỏ mắt: đây là dấu hiệu cơ bản của người bệnh đau mắt đỏ. Lúc này vùng kết mạc hay tròng trắng mắt sẽ bị lắp đầy bởi các chỉ máu sưng đỏ.
  • Cộm, ngứa mắt: tình trạng nóng rát, ngứa hay cộm sẽ có thể xuất hiện, khiến người bệnh hay dụi mắt.
  • Chảy nước mắt, kết mủ: Mắt sẽ thường chảy nước mắt để làm dịu, kèm theo đó, tình trạng viêm sẽ khiến mắt kết mủ màu. Hay tình trạng đổ ghèn nhiều, rõ rệt sau khi ngủ dậy.
  • Nhạy cảm với ánh sáng: Ở một số trường hợp, người bệnh có thể bị nhạy cảm nhẹ với ánh sáng, bị chói sáng, khó chịu xuất hiện khi nhìn vào ánh sáng.

Khi phát hiện có triệu chứng bệnh, nên kịp thời đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị. 

3. Biến chứng nguy hiểm của đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ thường là bệnh lý lành tính, ít gây biến chứng, sau vài ngày điều trị với thuốc sẽ tự khỏi. Nhưng hiện nay, tỉ lệ xuất hiện biến chứng của đau mắt đỏ ngày càng nhiều. Nguyên nhân chủ yếu có thể do chủ quan, không được điều trị và chăm sóc tốt. 

bien-chung-dau-mat-do

Viêm giác mạc có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm

  • Giảm thị lực và độ nhạy với ánh sáng: Với tình trạng nặng, đau mắt đỏ gây nên việc giảm thị lực như mờ mắt, nhìn xa kém, hình ảnh biến dạng,… hoặc phản ứng mạnh với ánh sáng như chói mắt, nhức mắt. 
  • Chảy nước mắt mãn tính: Người bệnh có thể ở trạng thái chảy nước mắt liên lục, mắt lúc nào cũng động nước.
  • Viêm loét giác mạc: Tình trạng lâu ngày của virus đau mắt đỏ có thể dẫn đến nhiễm trùng gây sẹo giác mạc, teo nhãn, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
  • Tăng nhãn áp (cườm nước): Đau mắt đỏ kéo dài có thể diễn biến thành cườm nước, tăng nhãn áp, bắt buộc người bệnh phải phẫu thuật điều trị để tránh mất thị lực vĩnh viễn. 

4. Lưu ý trong điều trị

Dù đau mắt đỏ là bệnh lý thường gặp, nhưng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm khi không được chăm sóc tốt. Vậy nên, trong quá trình điều trị, người bệnh nên tuân thủ các lưu ý sau để bệnh nhanh khỏi. 

benh-mat

Chỉ nên điều trị bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa

  • Điều trị theo chỉ dẫn của Bác sĩ: Dù là bệnh phổ biến nhưng người bệnh không nên có thái độ chủ quan tự mua thuốc điều trị tại nhà. Khi mắc bệnh, hãy nên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và có liệu trình điều trị cho phù hợp. Người bệnh cần được Bác sĩ thăm khám và cho đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh, để có thể chữa trị đúng và nhanh nhất. 
  • Chế độ ăn uống: Ngoài việc theo theo chỉ dẫn của Bác sĩ thì chế độ dinh dưỡng, người bệnh đau mắt đỏ cũng cần lưu ý. Nên ăn các thực phẩm giàu vitamin để tăng đề kháng như trứng, thịt gà, cá hồi, bí ngô, khoai lang, bông cải xanh, ớt chuông, cà rốt, cam, ổi,… Bên cạnh đó cũng cần kiêng các thực phẩm như tôm, cua, thịt dê, tỏi, rau muống, cà phê, rượu bia,…

5. Biện pháp phòng bệnh

Đau mắt đỏ có thể lây lan nhưng cũng có thể phòng bệnh bằng những phương pháp đơn giản. Để bảo vệ bản thân và gia đình, bạn nên tuân thủ một số quy tắc phòng bệnh sau:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn
  • Không đưa tay dụi mắt, mũi, miệng
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác, đặc biệt là khăn mặt, khẩu trang, nước nhỏ mắt,…
  • Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, thuốc nhỏ
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, người nghi ngờ bệnh
  • Dùng xà phòng, dung dịch khử khuẩn để vệ sinh các vật dụng của người bệnh
  • Tăng cường sức đề kháng bằng các loại thực phẩm giàu vitamin và rèn luyện thể thao thường xuyên
  • Người có dấu hiệu bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị bệnh. Không tự ý điều trị tại nhà.
8-quy-tac-phong-benh

Các quy tác phòng bệnh đau mắt đỏ

6. Người đã bị đau mắt đỏ, có thể bị tái lại không?

Người đã từng bị đau mắt đỏ, vẫn hoàn toàn có thể bị tái lại nếu không thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh. Theo một số quan niệm cho rằng, người đã bị đau mắt đỏ thì sẽ không bị lại nữa vì đã có kháng thể với bệnh. Nhưng đây lại là quan niệm sai lầm, việc có kháng thể với bệnh chỉ giúp người bệnh nhanh chóng khỏi và có mức độ bệnh thường ở thể nhẹ, chứ không thể phòng bệnh được hoàn toàn. Vì vậy, bất kỳ ai cũng không được chủ quan trước bệnh, phải thực hiện phòng bệnh đúng cách để bảo vệ chính bản thân và người thân trong gia đình minh.

Theo Bệnh Viện Mắt Sài Gòn Đồng Tháp

Ưu đãi mới
0356.633.303
DMCA.com Protection Status